Mặc dù kết quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đạt chỉ tiêu, song nếu so với năm 2019 (trước thời điểm dịch Covid-19) thì tình hình giao thông năm 2022 đã có chuyển biến tích cực.
Đây là đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2022 diễn ra vào sáng 9/2.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, năm qua tai nạn giao thông giảm sâu ở cả 3 tiêu chí: toàn quốc xảy ra 11.457 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2021, giảm 38 vụ, tăng 598 người chết, giảm 214 người bị thương. Còn so với năm 2019 giảm 6.216 vụ, giảm 1.246 người chết và giảm 5.841 người bị thương.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của một tài xế
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ là do sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông cùng với các nguyên nhân khác như điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường, phần đường, chuyển hướng không chú ý quan sát, vi phạm về tốc độ.
Trong năm 2022, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân uống rượu bia gây ra, đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi thanh, thiếu niên.
Điển hình như vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ở Bắc Giang vào đêm ngày 2/6/2022 làm 3 người chết gây bức xúc dư luận xã hội. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là người điều khiển phương tiện đã uống rượu bia nhưng vẫn lái xe; Hay vụ tai nạn giao thông ở Hà Nội vào ngày 12/8/2022 do người điều khiển phương tiện ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn đâm vào trạm xăng làm 8 người bị thương.
Nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn, phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2022, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên không gian mạng, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xây dựng ứng dụng báo thông tin tai nạn giao thông trên nền kỹ thuật số nhằm kịp thời nắm bắt thông tin để xử lý và khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông.
Đại diện Cục CSGT cho biết, trong năm 2023, một trong các giải pháp trọng tâm mà Bộ Công an chỉ đạo thực hiện xuyên suốt trong năm là tập trung các chuyên đề xử lý vi phạm về nồng cồn, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định, luật lệ giao thông của người tham gia giao thông và cả lực lượng thực thi công vụ.
Đại diện Cục CSGT khẳng định: “Đối với chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, yêu cầu các địa phương phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt, không có ngoại lệ để hình thành thói quen, văn hóa đã uống rượu bia, không lái xe”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng: “Người dân rất đồng tình, ủng hộ việc xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn, đã uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc này. Chúng tôi cũng rất mong các địa phương cùng hưởng ứng thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, chứ không phải chỉ phát động cao điểm, rồi qua cao điểm đâu lại vào đấy”.
Comments